Sơn Dương quyết liệt phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện nghi nhiễm vào giữa tháng 4 năm nay ở xã Tú Thịnh. Đến hết tháng 5, trên địa bàn huyện đã có 318 con bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục và có 33 con bị chết. Công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đang được huyện Sơn Dương triển khai thực hiện quyết liệt, khoanh vùng dập dịch và điều trị tích cực.

Nhân viên thú y xã Thượng Ấm tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn trâu của hộ dân tại thôn Ấm Thắng, xã Thượng Ấm

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò là một bệnh mới xuất hiện, vì vậy, công tác phòng và điều trị bệnh ở huyện Sơn Dương còn gặp một số khó khăn. Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến cho biết: Đến ngày 1-6, xã Cấp Tiến có 47 con bò, trâu của 24 hộ ở 9 thôn bị mắc bệnh viêm da nổi cục, trong đó có 10 con chết. Tuy nhiên, xã mới chỉ tiêm phòng được 120 liều vắc xin và phun hóa chất 36 lít thuốc khử trùng.

Cùng với tình trạng viêm da nổi cục trên trâu, bò, từ ngày 29-4, xã Đông Lợi có con bò đầu tiên ở thôn Đồng Bừa mắc bệnh, đến nay số trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục lên tới 53 con. UBND xã đã ban hành 10 văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh viêm da nổi cục. Cán bộ thú y xã cùng với thú y thôn bản đã tiến hành tiêm được 600 liều vắc xin phòng và chữa trị bệnh, ngoài ra người chăn nuôi tự tiêm phòng cho đàn trâu bò của hộ gia đình.

Bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên bò tại thôn Đồng Bừa, xã Đông Lợi

Tam Đa là xã được đánh giá là chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong việc tiêm phòng dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Huyện Sơn Dương mới chỉ tiêm được trên 6 nghìn liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò của các hộ dân, trong khi đó riêng xã Tam Đa đã tiêm được trên 1.350 liều vắc xin. Ông Nguyễn Mạnh Trường, Chủ tịch UBND xã Tam Đa cho biết: xã đã chỉ đạo cho nhân viên thú y xã chủ động tìm các nguồn vắc xin tiêm phòng ở các cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc thú y uy tín ở tỉnh Vĩnh Phúc cung ứng. Xã vận động các hộ tự bỏ tiền mua vắc xin tiêm phòng cho đàn trâu, bò. Trưởng các thôn, các tổ chức chính trị xã hội tiến hành tiêm phòng cho trâu, bò của các hộ dân. Đến nay, số trâu bò trong toàn xã đã cơ bản được tiêm phòng, chỉ còn số trâu bò đang mang thai tạm thời chưa tiêm

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Trường, Chủ tịch UBND xã Tam Đa cho rằng: nếu trâu, bò đã được tiêm vắc xin phòng các loại bệnh trước đó, khi bị mắc bệnh viêm da nổi cục tiến hành điều trị sẽ rất nhanh khỏi. Ngược lại, nếu trâu bò chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, khi mắc bệnh viêm da nổi cục điều trị lâu hơn. Ngay khi xuất hiện bệnh, xã đã cho khoanh vùng cách ly khu vực con trâu, bò bị bệnh và tiến hành điều trị ngay. Nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục và phát hiện, chữa trị bệnh kịp thời, nên xã Tam Đa chỉ có 10 con bò mắc bệnh. Toàn bộ số bò này đều đã được chữa khỏi bệnh, không có con nào bị chết, và không có phát sinh thêm trâu bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục. Hiện nay, xã Tam Đa tiếp tục rà soát số trâu, bò vừa sinh sản xong, nếu đủ điều kiện là có thể tiêm phòng bệnh ngay.

Xã Tân Trào tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc của hộ dân thôn Mỏ Ché 

Xã Trường Sinh là xã có số lượng trâu, bò lớn, có trang trại chăn nuôi từ 100 đến 200 con bò, trong đó có trang trại chăn nuôi bò có quy mô lớn của anh Đào Văn Được. Đến nay, toàn xã cũng đã tiêm được trên 340 liều vắc xin phòng bệnh cho trâu, bò.

Theo ông Hoàng Mạnh Đạt, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Dương chia sẻ: Bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò là bệnh mới xuất hiện, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Trong quá trình điều trị bệnh cho trâu, bò của các hộ dân, nhân viên thú y huyện, thú y xã đến thôn bản dựa vào hiểu biết, kinh nghiệm phòng, chữa bệnh thú y của mình, trao đổi lẫn nhau trong cách chữa trị, kết quả điều trị khá khả quan, nhiều gia súc đã được điều trị khỏi bệnh. Theo ông Đạt: hiện cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện chưa có phác đồ điều trị cụ thể cho bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò để hướng dẫn cho các xã và hộ dân. Để điều trị bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò nên dùng lượng kháng sinh vừa đủ để chống bệnh kế phát, những bội nhiễm và chú ý nâng cao sức khỏe, thể trạng và sức đề kháng cho trâu, bò. Ông Hoàng Mạnh Đạt cho biết thêm: Nguồn vắc xin phục vụ tiêm phòng và điều trị bệnh vừa được Cục Thú y có thông báo kết quả thử nghiệm và được phép sử dụng. Nguồn vắc xin này đang được các đại lý kinh doanh thuốc thú y trên toàn quốc và cả trên địa bàn huyện Sơn Dương cung ứng, đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi.

Đến ngày 31-5, toàn huyện hiện có 33 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục và bị chết, trong số đó có 2/3 là bê còn theo mẹ, có thể trạng yếu, còn lại là số gia súc lớn bị mắc bệnh nặng. Theo cơ quan chuyên môn: biện pháp phòng và điều trị bệnh là nắm bắt thường xuyên, phát hiện sớm những con mới phát bệnh còn đang ở thể trạng tốt, kịp thời điều trị, nâng cao sức khỏe bằng cách dùng các loại thuốc bổ sung dưỡng chất, tăng sức đề kháng cho trâu, bò.

Tin cùng chuyên mục